Ngành xây dựng với lời giải cho bài toán bảo vệ môi trường

Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18 tháng 1 năm 2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường trong không khí, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định, biện pháp về kiểm soát bụi, khí thải trong hoạt động xây dựng.

Cùng đó, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch đô thị bảo đảm tỷ lệ cây xanh, mặt nước trong đô thị đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan. Đây sẽ là những nhiệm vụ mà ngành xây dựng thực hiện trong thời gian tới, bảo vệ môi trường từ những giải pháp sát thực tế nhất.

Theo đánh giá của Chính phủ, thời gian qua, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Nguyên nhân chính được chỉ rõ là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả.

Cùng đó, diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả.

Thời gian qua, thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, Bộ đã hoàn thiện các định mức, chi phí bảo vệ môi trường; xây dựng kế hoạch truyền thông về cấp nước an toàn lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu.

Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội, tỉnh Hòa Bình kiểm tra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, giải pháp khắc phục để đảm bảo cung cấp nước cho người dân khu vực phía Nam Hà Nội sử dụng nguồn nước mặt sông Đà; đồng thời, kiểm tra, rà soát cao độ nền các khu vực đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để xác định nguyên nhân, đề xuất biện pháp giải quyết tình trạng ngập úng trong đô thị đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, cả nước có khoảng 45 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung với tổng công suất xử lý theo thiết kế khoảng 8.700 tấn/ngày được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động, tăng hơn 2.000 tấn/ngày so với năm 2015.

Một số cơ sở xử lý chất thải rắn có quy mô lớn, công nghệ hiện đại đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động như Nhà máy xử lý rác thải tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình và dự án đốt rác phát điện tại Thới Lai, Cần Thơ…

Các chương trình này nhận được sự hưởng ứng, đồng hành của các tổ chức và người dân. Nổi bật nhất là Chương trình triển khai trồng 1 triệu cây xanh trong giai đoạn 2016 – 2020 do Thành phố Hà Nội phát động đã được hoàn thành trước thời hạn.

Để góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, Bộ Xây dựng đã chú trọng các giải pháp quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng; phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các đô thị; tăng cường quản lý, phát triển vật liệu xây dựng theo quy hoạch, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng…

Ngành xây dựng đã tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống công cụ quản lý, đặc biệt là các công cụ để kiểm soát hiệu quả hoạt động xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, vật liệu xây dựng theo quy hoạch, kế hoạch.

Trong lĩnh vực xây dựng, ngành đã thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung và đề án đẩy mạnh xử lý sử dụng tro, xỉ thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất. Từ đó, có định hướng phát triển phù hợp, giải quyết các vướng mắc, tồn kho sản phẩm và giảm ô nhiễm môi trường.

Một số chương trình, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ, thử nghiệm trong lĩnh vực phát triển vật liệu xây dựng cho vùng ven biển, hải đảo được nghiên cứu sử dụng các phụ gia, chất thải công nghiệp để đưa vào sản xuất vật liệu xây dựng, thay thế nguyên liệu, khoáng sản truyền thống như đá, cát, sỏi….

Việc thúc đẩy sản xuất và sử dụng vật liệu không nung, tái sử dụng, xử lý tro xỉ các nhà máy nhiệt điện, gang thép, phân bón để làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp, làm đường giao thông cũng góp phần tăng hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.

Hiện các dự án sản xuất vật liệu xây dựng được đầu tư mới theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa ngày càng cao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, sản xuất ra nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường.

Một số lĩnh vực như sản xuất xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, kính tiết kiệm năng lượng đã đầu tư áp dụng các công nghệ sản xuất ngang tầm với nhiều nước phát triển trên thế giới. Hiện ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng được gắn nhãn xanh, thân thiện môi trường, cơ bản đã loại bỏ, chuyển đổi công nghệ cũ, lạc hậu.

Tiên phong là khối sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng được cho là một trong những nguy cơ dễ gây ô nhiễm và tác động nhiều đến môi trường cũng đã có những cải tiến vượt bậc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *