Tháng Giêng là tháng của lễ hội.
Câu chuyện kể lại của Nhà Báo Chu Khôi, xin trích dẫn lại.
Suốt tháng Giêng, các làng ở “Xứ Đoài” vô vàn lễ hội.
Tôi sinh ra ở Hải Hậu, Nam Định – cả năm chả có lễ hội nào, nên suốt tuổi thơ của tôi chả bao giờ biết đến lễ hội. Đến khi học xong Đại học (vào cách đây gần 30 năm) bắt đầu chuyển đến sinh sống và làm việc tại Hà Tây (Cụ thể là An Khánh – Hoài Đức), thì tôi “choáng” với lễ hội của vùng Xứ Đoài này. Thuở ấy, cách đây gần 30 năm, khi tôi làm việc tại Trạm lợn giống quốc gia (Nông trường An Khánh), năm đầu tiên khi sau Tết, tôi vô cùng bực bội với việc suốt tháng Giêng, ngày nào cũng có công nhân xin nghỉ với lý do làng có lễ hội. Khi ấy, tôi là cán bộ kỹ thuật phụ trách Giống tại Trạm.
Tôi nghĩ, không thể chấp nhận được việc công nhân nghỉ làm với lý do lễ hội. Thế nhưng tôi ngạc nhiên khi Sếp của tôi luôn chấp nhận việc công nhân xin nghỉ làm với lý do làng có lễ hội. Trong trại, ngày nào cũng có ít nhất 5 con lợn đẻ. Việc đỡ đẻ cho lợn là việc của công nhân. Nhưng mỗi khi có công nhân nghỉ làm ngày nào, thì tôi sẽ phải làm cái việc đỡ đẻ cho lợn, thay cho công nhân. không thể điều công nhân ở những khu vực khác (Khu chuồng lợn choai, khu chuồng lợn hậu bị) sang, vì ai ở vị trí nào cũng có coog việc của họ.
Có những ngày, cả 3 công nhân ở khu vực chuồng lợn đẻ cùng xin nghỉ vì lễ hội, không còn một công nhân nào ở khu vực đó, thế là tôi buộc phải làm cái việc đỡ đẻ cho lợn của cả 3 công nhân.
Cũng vì bất bình có quá nhiều lễ hội trong suốt tháng Giêng âm lịch, từ đó tôi đã đi các làng xã xung quanh đó để tìm hiểu, để rồi từ ngạc nhiên đến thích thú, tôi viết về các phong tục và lễ hội của từng ngôi làng, đăng trên các báo Hà Tây, Giác Ngộ và nhiều báo khác.
Cũng từ đó, tôi biết mình được sinh sống ở nơi dày đặc trầm tích văn hóa: “Mỗ, La, Canh, Cót – Tứ quý danh hương”. Đó là 4 Tổng nổi tiếng phía Tây kinh thành Thăng Long xưa. Tổng Mỗ xưa, ngày nay là phường Đại Mỗ và Tây Mỗ của quận Nam Từ Liêm. Tổng Cót xưa, nay chính là các phường Yên Hòa, Trung Hòa của quận Cầu Giấy. Tổng Canh xưa, nay là xã Vân Canh của huyện Hoài Đức và Xuân Phương của quận Nam Từ Liêm – nơi nổi tiếng với sản phẩm Cam Canh. Và Tổng La xưa, nay gồm các xã La Phù của huyện Hoài Đức, phường Dương Nội và Phường La Khê của quận Hà Đông.
Thuở còn tỉnh Hà Tây, thì toàn bộ khu vực Tổng La vẫn thuộc về huyện Hoài Đức, và bao quanh xã An Khánh. Nơi này từ xa xưa truyền tụng câu ca: Bảy làng La, ba làng Mỗ. Đây là 2 khu vực liền sát với nhau theo thế cài răng lược.bảy làng La, bao gồm: làng La Phù (nay là xã La Phù, huyện Hoài Đức); làng La Dương, Làng La Cả, Làng La Nội cùng thuộc xã Dương Nội (trước đây thuộc huyện Hoài Đức, nhưng từ khi Hà Tây nhập về Hà Nội thì Dương Nội trở thành một phường của quận Hà Đông; làng La Khê (nay là phường La Khê- Hà Đông); làng La Tinh và làng Văn La (nay vẫn đều thuộc Hoài Đức.
Riêng Tổng La có rất nhiều lễ hội đặc sắc, điển hình như Lễ hội La Cả vào ngày 7- 8 tháng Giêng âm, lễ hội La Phù vào 13-14 tháng Giêng âm. An Khánh cũng có nhiều lễ hội, trong đó lễ hội làng Vân Lũng vào ngày 12 tháng Giêng âm. Thuở các đây gần 3 năm, khi đến từng làng, tôi dược các cụ bộ lão kể và cung cấp cho những tài liệu về phong tục – lễ hội xưa để viết báo.Xin kể ra đây một số lễ hội ấn tượng.
Đêm hội Giã La
Ca dao xưa có câu:
“Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy,
Vui thì vui vậy, chẳng tầy Gã La”.
Làng La Khê (nay là Phường La Khê), làng La Cả (nay thuộc phường Dương Nội) đều thuộc quận Hà Đông, TP. Hà Nội có tục tắt đèn vào đêm rã đám hội làng. Truyền thuyết của làng La Cả kể rằng: Xưa kia làng có người đàn bà chửa hoang, sinh được đứa con trai tài trí, lớn lên lập công to khi đánh giặc, được triều đình phong thưởng, để rồi sau đó khi được làng La Cả tôn làm Thành hoàng.
Xưa, cứ vào đêm mồng 8 tháng Giêng âm lịch là đêm Giã hội. Theo phong tục xưa, vào đêm Giã hội, đến 11 giờ đêm, đèn đuốc tắt phụt, sân đình đèn đuốc tắt phụt. Khi đó, sân đình và khu vực đất trống rộng mấy chục ha quanh sân đình đầy cây cổ thụ tối om như hũ nút. Lúc đó, trai gái xem hội được tự do ăn nằm với nhau. Không ai được phép gây sự ngăn cản, cho dù biết rõ mười mươi vợ hoặc chồng cuả mình đang chung đụng với kẻ khác. Những cô gái chưa chồng mang thai từ đêm Giã hội sẽ không bị người đời khinh miệt, thậm chí làng cấm xét nét, gạn hỏi thông tin về thai nhi. Đứa trẻ ra đời nghiễm nhiên được coi là con của Thành hoàng làng.
Nhà văn Dương Duy Ngữ đã lấy bối cảnh Giã hội làng La cả để sáng tác truyện ngắn “Đêm Giã hội”, đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội vào cách đây khoảng năm 1991. Truyện ngắn đó rất hay, và ám ảnh. Tóm tắt truyện đó như sau. Có một cô gái rất xinh đẹp, yêu một chàng trai cùng làng, họ muốn lấy nhau, nhưng cha mẹ cô gái không đồng ý, với lý do nhà chàng trai đó quá nghèo. Khi con trai của Chánh tổng đến hỏi cưới cô gái, thì cha mẹ cô gái đồng ý, mặc dù cô gái chối đây đẩy và nói rằng đã có người yêu. Tuy nhiên, tục lệ xưa, cha mẹ đặt đâu, thì con phải ngồi đấy. Nên cô gái buộc phải làm vợ của con trai nhà Chánh Tổng. Đám cưới được tổ chức ngay sát Tết Nguyên đán. Nhưng, khi cưới xong, cô gái đề nghị chồng chưa động phòng, và xin chồng phải để cho đến qua rằm tháng Giêng mới động phòng. Con trai của Chánh Tổng, tức là chồng cô gái đồng ý, vì lấy được cô gái xinh đẹp nhất làng là rất mãn nguyện rồi, chờ thêm hơn nửa tháng mới động phòng thì chàng ta vẫn chờ được. Thế rồi cô gái bí mật gửi lời hẹn với người yêu cũ rằng: Chúng mình yêu nhau và đã từng thề hẹn sẽ làm vợ chồng đến suốt đời. Nhưng nay em lại trở thành vợ của người khác, thấy rất có lỗi với anh, không biết làm thế nào để chuộc lỗi. Yêu nhau 3 năm, mà chưa từng cho anh làm chuyện ấy, vì con gái phải giữ trinh tiết, không được mất trước khi cưới. Và nàng tỏ ra ân hận vì đã không cho chàng trai một lần “làm chuyện ấy” khi yêu nhau… Cô gái hẹn chàng trai sẽ gặp vào đêm Giã hội, và sẽ đem dâng trinh tiết của mình cho chàng người yêu cũ. Thế rồi đêm Giã hội diễn ra, khi đèn đuốc tắt hết, nơi các gốc cây và bãi cỏ quanh sân đình làng, rất nhiều cặp đôi ái ân với nhau. Cô gái và người yêu cũ cũng gặp nhau và cùng làm chuyện ấy. Chồng của cô gái – tức con trai của Chánh Tổng khi nghe có người bảo rằng, vợ của chàng đang ân ái với chàng trai khác, chồng của cô gái vô cùng tức tối và uất ức, vội vàng chạy đến chỗ đó. Chàng chạy vào lôi chàng trai kia ra khỏi vợ mình. Nhưng cũng lúc đó, Chánh tổng cùng đàm tuần đinh cũng chạy đến, Chánh tổng lôi con trai của mình ra, và bảo: Phong tục của làng từ xưa đến nay, vào đêm Giã Hội, trai gái, đàn ông đàn bà, ai thích nhau thì được tự do ăn nằm với nhau, không ai được phép ngăn cản, cho dù là vợ, hay chồng mình đang ân ái với kẻ khác.Nếu làm trái phong tục, sẽ bị Thành Hoàng phạt, và sẽ bị cả làng phạt. Cho nên, Chánh tổng chấp nhận để cho con dâu của mình được tự do ăn nằm với người khác. Con trai của Chánh tổng mặc dù rất uất ức, nhưng đành theo cha trở về nhà. Chàng ta hiểu ra rằng, vợ mình xin lùi ngày động phòng lại, là để dành đến đêm Giã hội, dành “lần đầu tiên” cho kẻ khác một cách “hợp pháp”…
Và theo như truyện ngắn của Dương Duy Ngữ, diễn biến tiếp theo là, sau đêm Giã hội, cô gái trở về nói với chồng rằng: Cô chỉ yêu có một người, nhưng không lấy được người đó. Và cô đã dành sự trinh tiết cho người yêu cũ. Giờ xong rồi. Nếu Chồng chấp nhận thì cô sẽ yên phận làm vợ, suốt đời chung tình với chồng. Còn nếu chồng không chấp nhận thì có thể đuổi cô ra khỏi nhà, hay làm gì cũng được. Và thêm một lời cầu nữa, là xin anh chồng không được “trả thù” người yêu cũ của cô ấy. Và rồi anh chồng – con trai của Chánh Tổng đồng ý chấp nhận vợ, vì anh này rất yêu vợ… Và, mặc dù là gia đình có quyền lực, có thể nói là “quyền sinh quyền sát” trong tay, nhưng cả Chánh tổng và con trai Chánh tổng cũng không có bất cứ hành động nào “trả thù” chàng trai “may mắn” kia…
Lễ hội bóp làng La Tinh
Lễ hội này từng được Cố Nhà Văn Tô Hoài miêu tả trong tác phẩm Chuyễn cũ Hà Nội, nhưng có điều nhà văn viết né, viết giảm đi chút ít. La Tinh nằm ven sông Đáy. Cách đây gần 30 năm, khi tôi đến làng tìm hiểu, được các Cụ kể về những phong tục xưa, cung cấp cho tôi các tài liệu về phong tục đó, rất giống với sự miêu tả của Cố Nhà văn Tô Hoài. Chỉ có điều các phong tục đó bị dẹp bỏ sau nam 1954. Theo phong tục cổ thì, Vào đêm hội, người ta tắt hết đèn đuốc khiến trời tối om. Rồi người ta dùng kiệu rước tượng Đức Thánh Tăng ở trong chùa làng ra bãi bên sông Đáy, Ở đó có một bãi cỏ rất rộng ven sông trải dài. Người đến xem hội rất đông, người ta chạy nhảy nhung nhăng quanh kiệu Đức Thánh Tăng và hô vang lặp đi lặp lại những câu:
“Đức Thánh Tăng… Đức Thánh Tăng….
Đứa nào không nhung nha nhung nhăng . Đức Thánh Tăng bóp vú mẹ nó…”
Rồi tất cả đàn ông vừa chạy lăng xăng trên bãi vừa nhảy vào bóp vú những người phụ nữ đi xem hội. Điều đặc biệt, là phụ nữ, từ gái chưa chồng đến những phụ nữ có chồng, đến xem rất đông, họ không chạy tránh xa đàn ông, mà cũng nhảy nhung nhăng để mặc kệ cho đàn ông bóp vú mình. Số lượng phụ nữ đến xem hội rất đông, mặc dù họ biết đến hội chắc chắn sẽ bị hết người này đến người kia… bóp…
Dĩ nhiên phong tục của Lễ hội này đã bị dẹp bỏ từ lâu, nên khi tôi đến sống ở Hà Tây, thì không được chứng kiến lễ hội như vậy, mà chỉ được chứng kiến lễ hội làng với những hoạt động bình thường như mọi lễ hội khác.
Lễ hội rước lợn La Phù
Có lẽ ngày nay lễ hội thu hút đông người xem nhất ở vùng Tổng La là lễ Rước lợn làng La Phù. Xã La Phù có 13 xóm, mỗi thôn tổ chức một đoàn rước. Mỗi đoàn ruốc đều bao gồm đội nhạc kèn trống, cờ quạt, kiệu, giàn pháo bông, đặc biệt luôn có một con lợn (được mổ thịt và trang trí rất đẹp, đặt trên kiệu… Các đoàn rước diễn ra từ chập tối 13 đến nửa đêm. 13 kiệu lợn được rước về đình La Phù, đặt trước các ban thờ và cúng Thành Hoàng từ 11 giờ đêm đến 3 giờ sáng, sau đó được đem ra chấm điểm xem lợn của Xóm nào đẹp nhất. Sang đến sáng 14 tháng Giêng, thì mỗi xóm xẻ thịt lợn và chia nhau…